Sách thơ của Kaitlin Rees Dịch bởi Nhã Thuyên Trong thơ, Kaitlin Rees thường trình diễn một mối quan hệ dường như có khoảng cách đủ xa với thơ ca để quan sát và nhìn ngắm mình, nhìn ngắm thế giới và nhìn ngắm chính thơ ca. Kaitlin suy tư về sự (bất) động của ngôn ngữ, đặt mình trong những va chạm với các vùng đất ngôn ngữ khác nhau khi di chuyển mơ hồ giữa không gian bên trong và bên ngoài, đây và đó, quê mẹ và quê người, thế giới và cái tôi, trừu tượng và cụ thể, gắn kết và tách biệt, bề mặt và bề sâu, v.v. Và rồi cô vẫn băn khoăn về sự (không) cần thiết của việc chạm đến độ sâu: Nơi nào ta có thể chạm đáy? Chẳng phải bề mặt cũng chính là chiều sâu đó chăng?
Tôi tưởng tượng Kaitlin đang trên con đường riêng khám phá những cái tôi khác của mình trong những vùng tiếp xúc mới, và có thể sớm muộn một cánh đồng nội tâm tươi mới của cô sẽ được đào xới. Mỗi lần cơ thể tôi chạm vào một cơ thể kẻ lạ, tôi thấy mình bỗng lạ, và đôi khi như thể có một tình yêu mới đang nhen, và một câu chuyện đang đòi được kể. Nhưng luôn luôn, trong tình yêu, người tình với trái tim đã mở phải đối mặt với nỗi thương tổn của mình, rất nhiều lần, và có thể trái tim ấy chẳng bao giờ bình yên được nữa. Tôi ước gì được nghe nhiều hơn những tiếng nói bí mật hơn khác lạ hơn riêng tư hơn trong thơ Kaitlin. Hẳn nó sẽ gần hơn với cô, và với tôi như một người đọc nếu chúng tôi có nhiều cơ hội hơn chỉ để nhắm mắt và chạm vào và lắng nghe tiếng nói của nhau. Âm thanh của người viết này sẽ va động âm thanh của người đọc này, và ngược lại. Viết là một cái gì từ ngoài ta mà vào hay là một cái gì tự bên trong đẩy ra? Tôi không nghĩ rằng mình có thể thong dong thêm nữa trong những cặp đôi từ ngữ. Tôi không biết rồi cuộc viết đó là để làm gì và đưa tôi đến đâu? Để kết nối ta với cuộc sống hay chỉ kết nối ta với ta? Dẫu thế nào, nếu không thể tránh được chính mình và không thể tránh được thơ ca, tôi không thể không ôm mang trái tim thương tổn của mình. -Nhã Thuyên-
***