…
Những mảnh vỡ không đây chẳng đó, không gái chẳng trai, không trụi trần chẳng che đậy,
Không sắc chẳng cùn, không vui chẳng buồn.
Những mảnh vỡ không đồng thuận, với nhau với mi với chính họ, phần nhiều là thế.
Những mảnh vỡ sẽ không giải thích gì với mi.
Họ xoay những gương mặt sáng loá ngây thơ hướng về mi, mi nghĩ họ vô tội.
Lúc khác họ thao thức, nóng nảy, trái ngược.
Họ nói rồi đổ vào lặng im khủng khiếp.
Mẫu thức tự sự họ có vẻ muốn theo: né tránh và dệt cửi.
Đôi khi họ bắt một con cá, rồi chạy.
Khi mệt họ đặt mình ngủ bất cứ chỗ đất nào.
Họ sẽ nói mi nghe: bọn tao đến đầu tiên theo hai đợt sóng cả, rồi theo những đợt sóng nhỏ hơn xô lại, táp vào bờ. Đói.
Những mảnh vỡ đưa cho mi những viên sỏi từ biển cả, một cách thức chạm được để kể mi nghe,
Bởi vì mặc định trong những vật thể này là sự thật về chính họ: họ đã bị đánh bạt, xô dạt, hết lần này lần khác, bởi mẹ nước.
Bởi thế họ biểu thị chính mình với sự thận trọng tới kì.
Những mảnh vỡ sớm học cách bóp nghẹt những tiếng kêu đòi riêng tư ngây ngất.
Họ loại trừ quá nhiều.
Một mảnh này tôi biết. Đã có mẹ.
Mảnh này cũng từng có ba người cha. Không phải cùng một lúc đâu, dĩ nhiên là thế.
Những mảnh vỡ không dễ tin. Họ hiểu sự bất khả tín của tính cha và của lịch sử.
Những mảnh vỡ này sẽ ám mi - nhớ bọn ta, đừng nhớ bọn ta – nhưng khi mi cố chỉ ra, khi mi cố chộp vai và nhìn vào mắt họ và nói tôi thấy người – họ tháo rút gọn lẹ.
Lặn tăm.
Hoặc đôi khi họ thét lên, như những mắt gỗ.
Bởi thế tôi đã học lịch sử riêng tôi trong những mảnh vỡ.
Những mảnh vỡ trên t.v., ở trường, ở nhà.
Những mảnh vỡ của một quê cũ.
Tôi thẩm thấu những mảnh vỡ trong những hình ảnh đen trắng nhiễu hạt và cuốn phim dùng mòn xác, và qua những phản ứng tâm trạng quá khích của mẹ tôi để gom góp những điều không giải thích được,
như cuộc tranh luận của mẹ với chồng bà xảy ra sau khi chúng tôi xem phiên bản phim của vở nhạc kịch, Tóc.
Tôi đã sống cùng – trong trí óc – một người cha “thực thụ” đã chết trong suốt những năm tháng tuổi thơ, cho tới khi đột nhiên, khi tôi 13, ông được mang trở lại đời.
Điều kì diệu, không phải của sự phục sinh, mà của sự viết lại.
Đã có một con đường chạy dọc chiều dài xứ sở những mảnh vỡ khởi sinh.
Những mảnh vỡ, rất nhiều, đầu tiên đã trở thành những mảnh vỡ trên con đường đó.
Họ từng bước lên con đường đó, trong hi vọng hay tuyệt vọng, với những âm vọng của tình yêu hay tiếng sét trong lồng ngực, họ biến sự đứt vỡ đó thành tiếng gọi của họ, con cái và cháu chắt họ nữa. Quá nhiều thứ làm tắc nghẽn con đường đó, rơi đổ xuống từ trên, tấn công tứ phía. Những mảnh vỡ bị tán vụn dưới chân, bằng xe tăng, hoả hoạn, những cơn lũ lụt của những mảnh vỡ tháo chạy khác đang tới. Một lượng lớn lao xuống đường và đánh bật những đường tàu tốc hành vào các khu rừng và đầm lầy hai phía. Một vài mảnh thục sâu mãi những đường hầm. Vài mảnh bám víu lấy những chiếc lá, biến thành giấy, những đôi cánh nhanh chóng được cắt gọt; và bay đi.
Vài mảnh vỡ, sau thất bại trên đường, và sau khi gom lại đâu đó trong những ốc đảo mới, bắt đầu xếp hạng chính mình: những kẻ sống sót.
Quên lãng, hoặc nghĩ về họ giờ chỉ là những kẻ cuối sót lại, nghĩ về họ tổng thể, thực tế, vài mảnh bắt đầu tự gọi mình là những câu chuyện.
[[ lúc nào đó tôi đã không còn viết truyện được nữa]]
Những mảnh vỡ có thể có tính kiến tạo khi ở tình trạng tự huỷ.
Tự giải kiến tạo.
Họ nhạo báng mi rằng mi tưởng mi biết hình dạng của mọi sự, rằng mi tưởng mi có thể biết được họ, mi tưởng mi đã hiểu thế giới này. Họ sẽ không nói thẳng rằng mi không thể.
- Dao Strom (Trích đoạn từ Chúng tôi đã định làm một dân tộc dịu dàng) - Nhã Thuyên dịch