then kissing each other, then sad
Những lớp da rối loạn
Author: Thái Hà
Published on: 9/21/2016 4:10:09 PM

Về tập Confusion of our skins || Sự rối loạn của lớp da của Michael Brennan, bản dịch tiếng Việt của Lưu Diệu Vân, AJAR press 2015

 

“Ngôn ngữ là một lớp da. Tôi cọ xát ngôn ngữ của mình lên kẻ khác. Điều ấy giống như thể tôi có ngôn từ thay cho những ngón tay, hay những ngón tay nằm ở đầu mấu ngôn từ tôi. Ngôn ngữ tôi rúng động vì ham muốn. Cảm xúc bắt nguồn từ một va chạm kép: một mặt, toàn bộ hành động của diễn ngôn, một cách kín đáo và gián tiếp, tập trung vào một điều được biểu đạt đơn lẻ, “Tôi ham muốn người”, và giải phóng, nuôi dưỡng, lan tỏa nó tới điểm phát nổ (ngôn ngữ trải nghiệm cực khoái trong sự va chạm với chính nó); mặt khác, tôi bao bọc kẻ khác bằng ngôn từ của mình, tôi mơn trớn, chạm khẽ, tụng ca sự va chạm ấy, tôi mở rộng chính mình để khiến cho lời bình luận hướng tới mối quan hệ mà tôi quy thuận trở nên dẻo dai…”

(Roland Barthes, Diễn ngôn của tình nhân)

 

Trên lớp da của Sự rối loạn của lớp da, họa phẩm Cuộc chiến bản ngã của Nguyễn Hưng Trinh hiện diện như một hình xăm. Cũng giống với dòng chữ viết tay của Michael Brennan, hình xăm được lựa chọn này có thể xem như một dấu chỉ về bản sắc. Màu trắng nguyên thủy của làn da dường như là không đủ để “những trang cắt sần sùi” tự biểu lộ chính nó trong những va chạm đầu tiên với kẻ khác. Cuốn sách không chỉ cần một lớp vỏ bọc để bảo vệ chính mình, mà cần thêm những sắc màu, những đường cắt và rạn nứt, những ghi khắc ý thức và vô thức của chủ thể, những vết sẹo và vết thương... Những làn da, như thế, cũng là những tự sự, không ngừng kể về kẻ mang phủ nó trên mình.

 

Cuộc chiến bản ngã gợi liên tưởng về một cuộc hành hình trung cổ. Tất cả đều chưa hoàn thiện - cuộc hành hình đang diễn ra, đó là thời khắc đau đớn nhất. Duy chỉ có điều, ở đây, nó thiếu chuyên nghiệp, chậm chạp và có phần tùy tiện, có phần giống hơn với một kẻ tự hành xác, hoặc đang phải đối mặt với một kẻ lột da giấu mặt bệnh hoạn. Kẻ bị hành hình không hiểu nổi vì đâu và từ bao giờ hay theo một kế hoạch và quá trình nào mà cuộc hành hình đang được tiến hành. Trong lần gặp gỡ đầu tiên với cuốn sách, người đọc ngay lập tức đã bị kéo vào một cuộc giao tiếp sống động, nơi đó, người ta vừa đóng vai một chứng nhân mang mặc cảm tội lỗi, vừa hóa thân thành kẻ hành hình trong khoái cảm bạo lực, vừa trải nghiệm lại nỗi đau phi lí của kẻ bị hành hình. Trạng huống này xuyên suốt cả tập thơ. Đúng như cái tên đầu tiên Autoethnographic (Nghiên cứu phản thân) từng được đặt cho nguyên bản tiếng Anh, tất cả những gì chúng ta có thể làm là chiêm ngưỡng và suy đoán. Về sự mất mát và bị hủy hoại. Về nỗi đau đớn thân xác. Về sự xô lệch của khung xương đường gân thớ thịt khi lớp vỏ ngoài định dạng nhân hình đang bị tước đoạt, và chắc hẳn, về cả những khả thể xúc tiếp vật lý với thế giới và kẻ khác đang dần bị tước đoạt không thương tiếc... Chỉ rơi rớt lại một vài dấu hiệu bản sắc giới rõ nét, nhưng nó gần như chỉ còn tồn tại để tự biểu đạt hơn là cho một chủ thể sở hữu của nó. Cặp môi đỏ hiện nguyên dạng là một mẩu da được bôi trát. Bản sắc phần nào được thiết lập qua việc tô vẽ những mảng da theo chuỗi diễn ngôn sẵn có.

 

Đã có những khi vì nghi ngại tính xác tín trong sự thống trị của cảm quan thị giác, người ta chuyển niềm tin sang những va chạm xúc giác. Giống như Thánh Thomas trong bức tranh của Caravaggio, niềm tin về sự hiện hữu của Chúa không được xác quyết bằng ảnh tượng đang hiện diện trước mắt, niềm tin ấy chỉ đến khi bàn tay ông chạm vào vết thương trên mình Chúa. Cảm nhận về sự phục sinh của một con người, kẻ có cùng da thịt với chúng ta, cùng một khả năng bị thương tổn như chúng ta hàm chứa một thông điệp tôn giáo thiêng liêng. Nhưng việc khước từ quyền năng thị giác, ở đây, không gì khác, là sự đòi hỏi một phê chuẩn của xúc giác. Không phải việc quan sát, mà chính cú chạm của da thịt mới có thể đem lại sự bừng ngộ về nhận thức. Mối ác cảm với cái nhìn này đôi khi được đẩy lên cao hơn, thành một nỗi sợ đầy ám ảnh. Khi ta nhìn tha nhân và tha nhân nhìn trở lại ta bằng cái nhìn khách quan cao độ, ấy là khi con người đang nhìn nhau bằng cái liếc mắt của Medusa, ngay tức khắc làm hóa đá đối tượng bị nhìn hòng diễn giải nó trong một hình dung chết cứng, bất khả giao tiếp. Maurice Merleau-Ponty nhìn thấy một cách xúc tiếp thân mật hơn qua cú chạm trực tiếp của “những lớp da” đang bao bọc chúng ta và kẻ khác, đang vừa che chở vừa có khả năng khiến những bản ngã thấm lọc và trao đổi với tính vật chất của thế giới, đồng thời không ngừng thâm nhập và định nghĩa lẫn nhau. Nhưng nếu lớp da cũng là một diễn ngôn bản sắc, và ngôn ngữ cũng chỉ là một lớp da đang bao dung cuộc sinh tồn của mỗi người, thì sự xác tín của nó đến đâu? Khi những lớp da ấy đã trở thành “hỗn loạn”, khi những lớp biểu bì dần trở nên khô cằn bong tróc, khi chúng tự lão hóa hay bị tước đoạt, khả năng giao tiếp nào sẽ còn lại cho mỗi chúng ta...

 

Brennan khoác lên những bài thơ của mình một lớp vỏ tự sự, với đầy các dấu hiệu nhận biết: nhân vật, bối cảnh, tình huống, đối thoại. Nhưng lớp vỏ này cũng sớm bị phá hủy. Tập hợp những đặc trưng đó bị rút kiệt khả năng liên kết để tạo thành chỉnh thể. Tập thơ đẩy người ta vào một mê cung hơn là một mạch truyện, các nhân vật xuất hiện như những mảnh vỡ, đôi khi trôi dạt đến một trang sách, rồi lại biến mất ngay sau đó, không có đầu mối nào để có thể đoán trước được rằng đến bao giờ họ sẽ xuất hiện trở lại hay đã vĩnh viễn từ giã chúng ta. Bối cảnh cũng thế, bị xé lẻ thành những mảng không gian vô định, mỗi lần xuất hiện lại làm cho người ta mất phương hướng hơn là định hướng. Những tình huống xuất hiện không để bắt đầu một sự tiến triển nào sau đó, nói đúng hơn, có một sự lặp đi lặp lại của một vài trạng huống cố định, mỗi lần xuất hiện theo một dạng thức khác nhau, gắn với những nhân vật khác nhau, hoặc cùng một nhân vật nhưng ở những khung cảnh khác nhau. Chỉ mặc cảm nhập cư là bao trùm lên tất cả. Tưởng như bao giờ họ cũng đang phải loay hoay tìm lời, tìm lối thoát/đi, và lục tìm kí ức. Nỗi u sầu của mất mát và lạc lối phơi bày một tình thế không thể thích nghi, không thể tự gieo cấy lớp da bản ngã bên trên một lớp da khác, cũng vĩnh viễn xa lạ, và vĩnh viễn bất ổn. Trích lời của Edward Sapir, Brennan nhắc nhở chúng ta về một mối hàm ơn với ngôn ngữ. Nhưng cách ứng xử với ngôn ngữ của mỗi bài thơ lại là mỗi hoang mang khác nhau. Bởi “lớp da” ngôn ngữ bao dung trùm phủ lên thực tại, bảo toàn tính trọn vẹn của chủ thể và cố định một thực tại được gọi tên giờ đây đã đến lúc rạn vỡ, suy tàn. Nó từng khiến ta an lòng khi ban tặng một ảo tưởng về khả năng hòa nhập và chung sống. Nhưng thời “Đại Lãng Quên” đã điểm. Trên lớp da ngôn ngữ, những mảng bong tróc chính là lớp ngôn từ bị lãng quên. Chỉ còn lại đây đó những mảng sần méo mó. Ngôn từ mang kí ức úa màu bị lột khỏi bản thể. Dục vọng hiện diện trong ngôn từ với một trật tự hỗn mang mới.

 

Như thế, với Sự rối loạn của lớp da, Brennan trước hết đẩy người ta vào một trạng huống chiêm ngắm sự phân rã của “lớp da” ngôn ngữ. Nếu huyễn tưởng mà ngôn ngữ mang lại từng đóng vai trò cứu chuộc con người khỏi nỗi niềm cô độc, thì giờ đây, nó bị bóc trần trong tính mong manh, đứt gãy, không đáng tin. Đó là sự đứt gãy giữa ngữ pháp và ngữ nghĩa, giữa ngôn từ cá nhân và kí ức cộng đồng, giữa giới hạn của danh từ và cơn mưa bội trương của hình ảnh, tính mã hóa càng lúc càng cao độ của ngôn ngữ với sự phức tạp của xúc cảm nội tâm. Từng lớp da ngôn ngữ bị lột dần và hủy hoại trong đau đớn mất mát: chứng quên danh từ, quên cách biểu đạt xúc cảm, quên cách giao tiếp dù ta còn cố níu lại được chút ít ảo tưởng trong khả năng bắt chước những thực hành cú pháp chuẩn mực và rỗng nghĩa. Người ta phải bấu víu lấy những mảnh da còn sót lại, làm đầy nó, cố chắp nối và vá víu nó, tìm cách lưu giữ nó. Bằng cách lặp đi lặp lại, bằng sự bám níu lấy những hình ảnh của kí ức. Như người cha bám lấy tưởng tượng về “những trái cà chua hình tim bò”, và cậu con trai vặn ngược từng chiếc đồng hồ hòng đánh cắp thời gian, hòng biến hiện tại thành quá khứ. Họ lải nhải tất cả những gì xuất hiện trong đầu, dù hiểu hay không hiểu, dù logic hay phi logic, đều bắt đầu bằng một mệnh đề ngầm “chúng ta cùng chờ mẹ trở về” (Những trái cà chua hình tim bò ấy). Tất cả chỉ để bóng hình người mẹ không bị tuột vào quên lãng. Bài thơ xây dựng một cuộc đối thoại chân thực đến đáng sợ, nét chân thực phơi bày tính phi logic, tính vu vơ, vô nghĩa của những cuộc đối thoại vẫn diễn ra hằng ngày. Như chuyện trò của Estragon và Vladimir trong khi chờ Godot. Ở đây cũng là một chờ đợi để giải thoát. Jumbo gần như đã muốn từ bỏ. Vẫn có những nỗ lực níu kéo, nhưng mọi thứ dường như đang trôi trượt, mất mát không thể nào cứu vãn: giấc mơ mục đồng trượt đi thành hoang tưởng, lời nói trượt mất nghĩa trở thành lảm nhảm, cú pháp chuẩn phơi lộ sự hư ngụy của chính nó; dòng nước trượt xuống lỗ nút thoát, lớp vỏ cam trượt xuống lỗ phân bón, những sinh mệnh trượt đi trên xa lộ chết chóc. Điều người cha cố lặp đi lặp lại trong đầu là một hình ảnh tưởng tượng ở mức tối giản, như níu giữ một giấc mơ, như giữ gìn một kí ức đẹp đẽ không đáng mất đi. Hay, rất có thể chỉ là để luôn ý thức được rằng mình đang chờ đợi một điều gì, để từ đó tìm được lí do tồn tại, để không buông xuôi chính mình trong sự trơn trượt ấy, và có thể để biết mình là ai…

 

Kí ức – ngôn ngữ - làn da vừa đồng hiện vừa tương tác lẫn nhau bên trong sự hỗn loạn của chính nó, kiến tạo một liên tưởng đa tầng (lớp da ngôn ngữ, lớp da kí ức, lớp da thân xác, lớp da địa hình). Duy chỉ có điều tất cả đều đang bị trầy xước, bào mòn, tha hóa.

 

Alibi Wednesday là ai? cũng là một ứng xử đầy hoang mang khi con người đối mặt với ngôn ngữ. Ngôn ngữ là cái mang lại cảm giác về một thứ “thế giới đã là”: “Đừng quá lo, mọi thứ đâu vào đấy cả rồi”. Giống như khi “già Tom bước ra khỏi sa mạc, thế gian đã được chỉnh sửa chỉnh chu” (Chu kì tăng trưởng), “thế giới đã sẵn là thế giới còn ta đang tìm kiếm chính mình” (Thế giới đã là). Khi chúng ta bước vào thế giới trong bước chân của những kẻ nhập cư, sự va chạm đầu tiên là ngôn ngữ. Thành phố sẵn có một thứ ngôn ngữ của riêng nó, nằm bên ngoài ta, một thiết chế rắn. Bước vào thế giới là một màng lọc không gian mang tính loại trừ, của chấp nhận và chối từ. Nó đòi hỏi người sống trong nó phải quy phục một cách đầy bạo lực. Cuộc va chạm này gây thương tổn cho kẻ mới đến. Nó xác định một vị trí thiểu số, khách thể của kẻ nhập cư, biến thứ ngôn ngữ vốn có của y thành “bập bẹ”, ngô ngọng. Ngôn ngữ cũ phải bị tước bỏ để có thể gọi tên thành phố và hòa nhập trong nó. Xúc cảm cũng phải được biểu lộ bằng một ngôn ngữ khác, có thể giao tiếp. Đến với thành phố này là đến với đầy đủ những nghịch lí: nó vừa hấp dẫn, vừa đáng sợ; vừa cưỡng bức những kẻ sống trong nó phải tuân theo một luật lệ khắc nghiệt trừu tượng của ngôn từ, vừa mang một làn da nhạy cảm dễ xúc tiếp một cách đáng ngạc nhiên. Nó dùng thước đo hạnh phúc bằng “hỗn hợp đồng đẳng gồm rượu vodka, đá lạnh và tốc độ”. Tất cả nét hấp dẫn nhất, đặc trưng nhất đều lộ hiện trên bề mặt. Một thứ hỗn hợp ngay lập tức khiến người ta đê mê khi xúc tiếp với nó. Nói cách khác, đó là nét gợi dục của lớp da thành phố. Kẻ mới đến phải tìm cách cấy trồng chính mình lên lớp da ấy.

 

Trên lớp da thành phố này, có mặt trọn vẹn những không gian đặc trưng, những nơi chốn được gọi tên chuẩn xác và chi tiết rõ ràng (tiền sảnh, sở thú, bể bơi có cầu trượt, khu trung tâm di tản,…), và tất nhiên, có cả người chỉ dẫn (Emmett Dalgliesh, cô Edelstein thuộc khu trung tâm di tản). Tất cả những hiện diện ấy dường như đều phù hợp với những tưởng tượng thông thường về thành phố. Nhưng kẻ đang trên Chuyến đi vào vẫn gần như mù tịt về bố cục của bề mặt. Sau sự mất phương hướng và thụ động di chuyển theo những tiếng nói từ bên ngoài (mà có vẻ như chính những tiếng nói này cũng mù tịt về không gian), là một mô tả siêu thực. Nó phơi bày sự đứt gãy giữa thực và mơ, giữa hai hệ ngôn ngữ: lúc đầu, kẻ nhập cư cố gắng nhận diện và gọi tên “tiền sảnh”, làm quen với hệ thống ngôn từ thuộc thành phố được kẻ khác cấp phát; nhưng cuối cùng sự thất bại của hắn trong việc giao tiếp này hết sức rõ ràng. Kẻ nhập cư mù mờ hoàn toàn về không gian mới, về thứ thực tại đang được ngôn ngữ của kẻ khác trùm phủ, gọi tên. Lớp da ngôn ngữ lộ rõ vẻ hư ngụy. Vẫn hiện diện, nhưng không thể đưa lại một hình dung nào về bất cứ cái gì bên ngoài nó. Nó chẳng là gì khác ngoài những khối đục mờ: “sở thú” là một khối đục mờ, “một thứ ấm ẩm gọi là Mavis” lại càng đục mờ hơn. Đổi lại, ngôn ngữ của kẻ nhập cư, cách định danh và mô tả của y, so với tư duy logic thông thường, cũng là một khối kì dị u mê mờ đục đầy rối loạn trong định dạng loài: “Tên nhạc công chơi ở tiền sảnh với khuôn mặt chó rừng làm tôi bị phân tâm với tiếng sủa của hắn”, “con cá rồng đang chăm nom một chiếc xe đẩy đầy trẻ sơ sinh ở góc đường...”. Lối so sánh này hé lộ một hình dung khác thường về “sở thú”, trượt ra khỏi cách định danh của Emmett Dalgliesh, biến thành một biểu đạt cho sự gãy vỡ về ý niệm nhân tính cũng như khả năng giao tiếp. Cảm giác tất yếu về mối quan hệ ngôn ngữ - thực tại bị tẩy xóa tới hạn. Cuộc đối mặt với những khối ngôn ngữ đục mờ như thế trở đi trở lại trong tập thơ. Như là khi “đôi môi ướt của tên thầy bói Trung Hoa mấp máy, mặc ta tự suy diễn những tiên tri bằng ngôn ngữ xa lạ của tương lai mình” (Sau buổi hát xiệc), hay những lần gặp gỡ với một kẻ “Ngốc”, “Đần” “liên tu bất tận về điều gì đó” không ai hiểu nổi (Cộng sinh). Không có một chỉnh thể nào của làn da, chỉ là những mảnh rời rã. Những ngôn ngữ không thể chạm đến nhau, những mảng da không thể cọ xát và phát nổ. Bởi thế mà dễ dàng bị trôi tuột không gì níu giữ nổi.

 

Khả năng thiết lập sự tương tác xã hội của ngôn ngữ vì vậy mà trở nên quá sức mong manh. Khi tính vật chất mờ đục của ngôn ngữ bị bóc trần, nó chẳng còn là một cái gì khác ngoài chính nó, chẳng che giấu điều gì bên dưới nó. Giống như một lớp da đã bị lột khỏi thân thể. Cũng vậy, mọi “lớp da”, mọi bề mặt đều đã bị xóa bỏ bề sâu. Một tình trạng mặt phẳng hóa đang xâm lấn dần tất cả. Không gian mạng là một thứ phẳng dẹt, lạnh lẽo cực hạn. Mọi diễn trình, kết nối chẳng còn mang nghĩa gì ngoài chính sự diễn trình và kết nối, không bối cảnh, không nhân vật, không thông điệp nào được truyền tải, kể cả những gắn kết sâu sắc nhất như tình yêu cũng chỉ được trình hiện qua qua một loạt những đường link, những hệ thống mã hóa thông tin, những cú nhấp chuột, hay hành động máy móc tải các tệp tin (Noah đang yêu)

***

- Thái Hà
- ảnh của Nguyễn Quốc Thành

*** để đọc trọn vẹn bản in, xem tại đây 

 

AJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJAR