Thuở đầu lòng, một tồn hữu ẩn mặt, tôi đã được bọc thấm trong nước ối của mẹ. Tôi ở đó, an lành trong bóng tối, không biết điều gì sẽ xảy ra, cho tới khi được sinh ra. Rồi tôi nhận ra mình là một tồn hữu mong manh trong đời. Biết về nước mắt, nước của người, và nước mưa, nước của trời, một thứ nước đẩy từ trong ra ngoài, một đổ từ ngoài vào trong. Người ta nói nước của tự nhiên, một tồn hữu thiên nhiên, của sông suối biển hồ, vốn không màu, không mùi, thuần khiết. Tôi biết những nước khiết, và nước-không-quá-thuần: nước dãi, nước miếng, nước mũi, nước tiểu và nhiều nữa. Liệu nước của con người có thể thuần khiết vậy chăng?
Và chúng tôi không bao giờ nghĩ về quốc gia, tổ quốc như một ý tưởng trừu tượng khi nghĩ về nước: mình cùng nước, dân mình: người trong một nước. Với dân mình, Việt Nam là một nước, một không gian sống, để yêu thương và bảo bọc, để được bảo bọc trong đó, như lòng mẹ, không phải chỉ như một quốc gia, một cái tên hành chính. Mình có thể an bình sống trong nước mình không? ... Nghĩ về nước trong tiếng Anh, ngôn ngữ của tôi không có từ nào để gắn kết ý tưởng về nước và những ý tưởng về quốc gia, tôi chỉ có thể nghĩ về nó, mà không phải là nghĩ trong nó. Thay vì chìm trong nó, tôi có thể nghĩ về nó chỉ với khoảng cách nhìn ngắm từ những bờ biển. Tôi có thể chỉ hiểu nước tôi sau khi rời nó, trôi dạt trong một ngôn ngữ khác, nơi “đất nước” không phải là đất nước tôi tưởng mình đứng, với chân bám trên đất, mà là những vùng nước đã mơn tắm tôi từ thuở lọt lòng, những vùng nước tôi không bao giờ nhận ra sự hiện hữu nước ấy cho tới khi tôi bước ra. ... Câu chuyện về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và quốc gia làm tôi băn khoăn nhiều. Một ngôn ngữ biểu thị một quốc gia, là kho báu quốc gia, nhưng liệu quốc gia có sở hữu nó và dùng nó như một dấu chỉ về căn tính của cư dân không? Ngôn ngữ thuộc về dân, những người dùng nó, về cộng đồng của nó, nơi ôm ấp và nuôi dưỡng nó. Tôi không thể ngừng tự hỏi mình: Nếu tôi là một người Việt ‘thuần tuý’, tôi có thể viết trong một ngôn ngữ khác khi sống ở một nơi không-phải-một-nước-ngoài? Liệu tôi có thể viết trong một ngôn ngữ khác và nói rằng “tôi là một người Việt”, mà không quá ám ảnh về việc không viết bằng tiếng mẹ tôi, về việc phản bội tiếng tôi và làm người ngoài trong một ngôn ngữ khác? Liệu tôi có thể nói yêu người mà không lo lắng quá về việc phát âm sai tên người? Liệu tôi có thể viết trong tiếng của người và liệu người có thể rộng lòng đón nhận tình yêu giới hạn của tôi với tiếng của người? Dường như đó chỉ là hình ảnh mơ hồ tôi vẽ ra về chia sẻ và sự hiểu và bình đẳng và buông phóng, nơi ngôn ngữ là kẻ đồng hành, không phải gánh nặng của ta?Tôi băn khoăn liệu có thể đi lại thanh thơi giữa các quốc gia và các ngôn ngữ, và ta ở đây, ở đó đồng thời. Người có nghĩ đó chỉ là một ảo tưởng, có thể gây hại cho vẻ đẹp và sự khác biệt đa dạng của các ngôn ngữ? ... Tôi nghĩ mình cần các ranh giới, đôi khi, như nước cần vật chứa, một cơ thể mang giữ nó. Tôi nghĩ mình cần các ranh giới của quốc gia bởi vì, ít nhất, những ranh giới này giữ gìn các ngôn ngữ khác nhau. Có thể câu hỏi là, làm thế nào để hoá lỏng chính chúng ta, để là “tín đồ của dòng chảy” như Czeslaw Milosz, và ta có thể vượt qua/dịch các ranh giới và các cơ thể lưu giữ ta. ... Để gom lại đôi giọt trôi nổi đây đó, và khi nghe một âm thanh, ta dồn tụ cùng nhau trong một định dạng vô định/một định dạng gỡ khỏi định dạng.
Những giọt sống tan tác rơi, ngôn ngữ người mơn man tôi, xoay tròn chu kì và không ngừng nghỉ, bất tận rỉ rắc từ một cơ thể vào một cơ thể khác, được mang theo và gửi lại đây, đó, một kí ức trầm tích, bài ca vỗ nhẹ dập dìu, những con hồ của những xoáy nước không thoát khỏi, cuối cùng ai sẽ biến tan vào hư không, ai sẽ nhất định còn trở lại. ...
- trích đoạn từ Thư biên tập, số 4 - để đọc trọn vẹn bàn in, xem tại đây