Cửa đóng kín nhưng vẫn nghe được những gì đang xảy ra. Những thanh âm chói chát khó hiểu. Những lời vô nghĩa. Những tiếng gào, hoang dại, khiếp hãi, đầy thống khổ.
Nó, hai viên cảnh sát, ông hiệu trưởng - họ ở bên kia cánh cửa đó.
Nó không thuộc loại học sinh đánh lộn lúc tan trường, những đứa giấu vũ khí trong cặp, hay hút cần sa rồi sau đó phá hoại sân bóng ném. Nó không trộm cắp, không gian lận, không chửi thề. Nó không biết uy hiếp ai và nó cũng còn quá nhỏ để dính dáng vào chuyện tình dục.
Nó thậm chí còn không biết tại sao nó bị bắt.
Ai có thể ngăn chặn được chuyện này? Liên lạc viên học đường ư? Có thể, nhưng cô ta rất thụ động trong việc bảo vệ nó. Giáo viên chủ nhiệm của nó chăng? Nhưng cô ta đã có ấn tượng nó xấu tính và ngang ngạnh. Hơn nữa, cô ấy không thông cảm nó, những nỗi sợ, quá khứ, hay ngôn ngữ nó. Cô giáo chủ nhiệm cần một người thông dịch, nhưng liên lạc viên, người làm công việc thông dịch, lại không thể dịch cho ra hồn. Làm cách nào dịch nổi điều cất giấu bên trong nó, một câu chuyện ẩn khuất và phức tạp?
Nhưng nó không hề biết điều đó.
Rằng việc cô liên lạc viên nói tiếng Việt và tiếng Anh chẳng đảm bảo điều gì. Cô chỉ có thể dịch nghĩa đen, các lớp ngữ nghĩa bề mặt và đơn giản nhất. Cô không thể chuyển dịch giác quan hay tình cảm, ký ức hay quá khứ, những căn nguyên để ngôn ngữ bật ra, hay bất cứ những ngụ ý, bóng gió, ám chỉ nào. Từng đó quá sức của cô. Dịch không bao giờ dễ dàng. Đó là nghệ thuật, không phải một khoa học. Đó là đời sống, không phải việc làm.
Nó cũng nên thông cảm cho cô liên lạc viên. Cô ta đã cố gắng hết sức, để mọi người hiểu nó, để bảo vệ nó, để đòi công lý cho nó. Nhưng chính tác phong nó đã làm hại nó.
Nhìn bề ngoài dễ nghĩ nó xấu tính. Nó hay nổi cáu. Nó muốn mọi người phải chú ý đến mình. Nó quấy rối lớp học. Nó không giống những đứa trẻ Á châu rụt rè khép kín kia. Đó là những điều họ nói. Đó là cách họ dịch nó. Nó rờ mó người khác rất sỗ sàng. Một phụ giáo nói rằng nó chọc mạng sườn bà ta. Một ông thầy than phiền nó đã vỗ mông ổng. Cô giáo Dickinson dạy tiếng Anh cho dân mới nhập cư nghĩ rằng nó đã kể những câu chuyện cười tầm phào và thô tục bởi nó khiến những đứa trẻ Việt Nam khác cười dữ dội trong giờ học của cổ.
Nhưng nó tin tưởng liên lạc viên. Cô là người duy nhất trong văn phòng nói cùng ngôn ngữ với nó. “Tại sao con bé nói với tôi bằng tiếng Việt?” Ông hiệu trưởng sửng sốt hỏi. Ban đầu, liên lạc viên cho rằng điều này ngộ nghĩnh và dễ thương. Nhưng cô có thể cảm nhận sự tức giận nơi ông. Như thể ông bị xúc phạm. Chưa ai dám làm vậy với ông; một con bé chân ướt chân ráo dám dùng ngôn ngữ của nó để lật đổ cán cân quyền lực. Lẽ ra họ nên đặt vấn đề nó thiếu khả năng phán đoán. Lẽ ra họ nên băn khoăn về tình trạng tâm thần của nó. Một đứa trẻ bình thường không biết tiếng Anh sẽ câm như hến hoặc ngọng ngịu lí nhí trước ông hiệu trưởng. Nhưng không ai biết tiểu sử gia đình nó. Không ai quan tâm đến những gì đã xảy ra trong suốt thời gian chiến tranh, và sau đó, ở ngôi làng xó xỉnh của nó.
Trước đó liên lạc viên đã nói rằng nó tối dạ, rằng nó mắc chứng rối loạn phát triển, rằng thỉnh thoảng nó nói năng vô nghĩa, rằng cô nghi ngờ nó bị tàn phế tâm thần. Nhưng không ai tin ý kiến cô. Cô không phải chuyên viên giáo dục. Cô chỉ là một thứ phụ tá. Cô chỉ dịch, tức là chỉ đơn thuần lặp lại điều kẻ khác trình bày, trong một ngôn ngữ khác. Và điều cô nói không phải điều cô định ý. Vị thế của cô, một liên lạc viên học đường, một cầu nối, một đường dẫn, nói chung là, không là gì cả.
Nó rất khác những đứa trẻ Việt Nam trong trường. Những đứa trẻ với tiếng Anh sơ đẳng và trình độ Toán cao cấp. Nó không biết làm toán, thậm chí là phép tính đơn giản, như 2+1. Những con số thuộc một phạm trù nó không thể hiểu.
Song ông hiệu trưởng cho rằng nó chỉ là một đứa trẻ hư và kỷ luật sẽ uốn nắn lại con người nó.
Cô Dickinson dạy tiếng Anh tưởng nó khôn lanh bởi nó nói nhiều. Cô không thích nó bởi cô nghĩ nó hai mặt. Chắc đó là bản năng sinh tồn của nó. “Trong lớp con bé vô lễ lắm. Nhưng khi có mặt cô thì nó là một người khác,” cô bực tức nói với liên lạc viên vậy. “Con bé phải biết rằng nó đang sống ở Mỹ. Con bé phải học tiếng Anh và nếu nó nói tiếng Việt sẽ không ai hiểu được hết. Cô có thể nói điều này với con bé chứ?”
Cô giáo nhờ liên lạc viên làm giúp cô một đặc ân lớn, thực thế. Không ai muốn bị câm điếc trong một ngôn ngữ mới, dù là ngôn ngữ thiểu số.
Nó có mái tóc xoăn, làn da đen, và bàn tay thô ráp. Người nó toát mùi dầu gió và quần áo nó luộm thuộm. Nhưng trông nó vẫn ra dáng người. Nó không giống mấy người anh trai với cái đầu quá khổ và thiếu tứ chi trong bức ảnh nó cho liên lạc viên xem. Những gì xảy ra cho nó nằm ẩn dưới lớp da. Chúng chen vào các tế bào. Chúng phá hoại gien di truyền và làm vấy bẩn máu nó.
Khi bảy tuổi, nó đã làm việc miệt mài ngoài đồng. Nó đổ mồ hôi trên những dải đất đầy độc chất và gánh nước từ con sông ô nhiễm trong làng. Không có luật lao động bảo vệ trẻ em ở đó. Những đất nước nghèo nàn thường hay được nhắc tới như một tai nạn. Trong suy nghĩ của các nhân viên văn phòng trường thì chiến tranh, nghèo nàn, và mọi thứ bẩn thỉu đều đồng nghĩa với thế giới thứ ba. Khi một học sinh lớp tàn tật lỡ đi bậy trong quần, khi đôi ba chuyện hư hỏng xảy ra trong nhà vệ sinh giáo viên, khi nước bị tràn, khi bồn cầu bị tắc, họ than thở “Ồ, thật quá tệ, cứ như là chúng ta đang sống ở thế giới thứ ba vậy.”
Liên lạc viên bị sốc. Khi cô than phiền với hiệu trưởng, ông chỉ nhún vai: “Có gì đâu, họ chỉ đùa thôi mà.”
Liên lạc viên không biết đùa. Cô thiếu óc khôi hài. Cô không thể dịch những mẩu chuyện tiếu lâm. Giống như cha cô là thuyền nhân tới đây từ hai thập kỉ trước. Giống như một nửa cư dân của vùng này bây giờ. Khi đụng đến chuyện hài hước, cô trở nên câm điếc hay chậm hiểu. Cô sợ nghe những chuyện cười dính dấp đến văn hóa Mỹ kể bằng giọng Anh chính hiệu. Đôi lúc cô ghen tức với những đồng nghiệp Mỹ trắng trong văn phòng. Họ có thể thẩm thấu các văn hóa khác thật dễ dàng. Văn hóa lạ với họ nhiều lúc chỉ là màu da, trang phục, hay một thứ mùi đồ ăn đặc thù nào đó.
Liên lạc viên tốn rất nhiều thời gian để phục vụ những người Việt của cô. Thay vì phụ giúp công việc văn phòng, xếp hồ sơ, hay làm các bản sao giấy tờ, cô ôm điện thoại, tán chuyện bằng thứ ngôn ngữ không thể hiểu nổi.
Việc nó thường xuyên lui tới văn phòng để gặp liên lạc viên làm ông hiệu trưởng để ý. Ông quan sát cách nó chuyện trò với cô. Ông lắng nghe độ trầm bổng trong tiếng nói nó. Ông có vẻ thích thú với âm thanh du dương nhiều hỏi ngã. Nghe giống như thể nó đang hát. Trong khoảnh khắc đó nó biến thành loài chim hiếm. Và bởi ông không hiểu, nên ông nghe được tình cảm giữa nó và liên lạc viên. Ông biết nó tin cậy cô.
Ông hiệu trưởng hỏi, “Cô có chắc cô chỉ nói với phụ huynh không thôi, về các vấn đề trường học không thôi vậy?”
Liên lạc viên nghĩ lẽ ra cô phải báo cáo thẳng cho Khu Học Chánh. Cô nghĩ lẽ ra ông hiệu trưởng phải cho nó học chương trình giáo dục đặc biệt. Cô ước gì công việc của cô không lệ thuộc vào sự hiểu lầm giữa con người. Cô ước cô là một ai khác, không phải một liên lạc viên.
Ngày nó bị bắt giam, liên lạc viên cảm thấy cô như một người thuận tay trái giờ bắt buộc phải viết bằng tay phải nếu không cô sẽ bị trừng phạt và bị chặt lìa đôi tay.
Nó bị đuổi học vì đã thụi một cú vào bụng ông hiệu trưởng. Nó không được phép bén mảng lại gần trường học nữa. Buổi sáng đó, khi nó đang ngủ nướng thì liên lạc viên gọi cho mẹ nó, yêu cầu bà đưa nó tới văn phòng ngay lập tức.
Cô không nói rằng hiệu trưởng đã đổi ý. Rằng với ông ta, đuổi học là quá khoan dung. Cô không nói rằng cảnh sát đã ở sẵn đó, chờ nó.
Người ta đã khuyến cáo cô đừng nói.
Nó kêu ằng ặc những thanh âm khủng khiếp. Nó vật mình, đấm đá loạn, rú rít từng cơn. Hai nhân viên cảnh sát túm lấy gáy nó, nện nó xuống sàn. Còng tay nó không khó nhưng bắt nó im lặng mới là vấn đề. Cảnh sát không lường trước được phản ứng dữ dội ấy. Nó quằn mình lăn lộn. Nó hoảng loạn tìm cách thoát khỏi kìm kẹp. Nhưng họ to khỏe hơn, họ lôi xệch nó ra xe, sập cửa lại.
Giọng nó im bặt tách lìa khỏi phần còn lại của thế giới.
Không hẳn giọng nó, mà là chất điên trong máu nó.
Liên lạc viên đứng lặng người. Cô không được đào tạo để dịch cảnh tượng này. Cô không đủ từ vựng để chuyển ngữ nỗi đau và sự ghê khiếp. Vì vậy cô hình dung cách người ta mổ lợn trong làng những dịp lễ hội. Vào ngày hôm ấy, họ trói ngoặt bốn chân con lợn rồi lôi túm nó đi. Có một lúc con lợn tình cờ nhìn vào những người đã chăm nuôi nó suốt cuộc đời. Cái nhìn ngái ngủ phảng phất một điều gì tối nghĩa và sầu thảm, một thứ gì đó của quá khứ cố tìm cách kết nối với hiện tại. Cô lại hình dung ngày nó mới nhập học ở đây, tò mò, hoang mang, nhưng náo nức giữa những âm thanh và ngôn ngữ xa lạ. Lúc đó nó rất khác. Nó không hề biết sợ. -- Tác giả viết lại từ nguyên bản tiếng Anh - 27/8/2015